
Chiều yên ả. Ngọn gió Thu lướt thướt ngang qua miền đất bazan Lâm Đồng, quyến hương chè rải theo triền núi. Thung thăng giữa không gian khoáng đạt, điệp trùng thảm xanh của những nương chè phủ khắp núi đồi, mênh mang đến bất tận. Gió thơm. Đất trời thơm. Hương chè ủ ấp, quấn quyện trong từng chân tóc, nếp áo, vương vấn mãi…
Không phải ngẫu nhiên mà người Pháp đã chọn vùng đất Nam Tây Nguyên để “gieo” những mầm chè, tạo nên hương vị trà đậm chất xứ đất đỏ bazan. Khí hậu và thổ nhưỡng ở vùng cao nguyên này rất thuận lợi để cây chè đâm chồi, nảy lộc. Nghiệp trà ở Lâm Đồng khởi nguồn từ những thập niên đầu thế kỷ trước, và gắn bó với đông đảo người dân ở vùng đất này đến mãi hôm nay.
Tìm về nơi khởi nguồn nghề trà trên vùng đất Nam Tây Nguyên
Ngày xưa, nơi đây gọi là Sở trà Cầu Ðất do người Pháp lập ra năm 1927. Còn bây giờ, trên miền đất ấy là nơi đóng chân của Công ty CP chè Cầu Ðất, nằm cách trung tâm thành phố Đà Lạt khoảng 22 km về phía Đông Nam. Ở Lâm Ðồng, nếu gọi B’Lao là “thủ đô chè” thì Cầu Ðất có thể coi là “nguồn cội chè”. Tại nhà máy chế biến trà gần 100 năm tuổi này vẫn còn giữ được khá nguyên vẹn giàn máy sản xuất chè theo kỹ thuật cơ khí hồi đầu thế kỷ trước. Ðây là dây chuyền sản xuất chè đen của Pháp gồm sáu cỗ máy được coi là cổ nhất Ðông Dương hiện nay.
Trải qua biết bao thăng trầm của nghiệp trà, giờ đây luồng sinh khí mới đã thổi vào “nguồn cội” xứ trà trên cao nguyên Lâm Đồng. Vẫn giữ lại giàn máy lịch sử của nghiệp trà trên xứ sở này để phục vụ khách tham quan, công ty đầu tư dây chuyền sản xuất mới, có công suất đủ lớn để chế biến sản phẩm trà chất lượng cao, cung cấp thị trường xuất khẩu và nội địa.